Tỉnh Hà Nam

Hà Nam là tỉnh nằm ở Tây Nam châu thổ sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội với diện tích khoảng 852,2 km², dân số hơn 900.000 người, gồm 6 huyện, thành phố, thị xã với Thành phố Phủ Lý là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Lịch sử và thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Nam nguồn tài nguyên du lịch phong phú với mật độ di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật phân bố dày đặc và phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Hà Nam là quê hương của các làng nghề truyền thống (sừng mỹ nghệ Đô Hai, trống Đọi Tam, dệt lụa Nha Xá, mây giang đan Ngọc Động…), các lễ hội lớn nổi tiếng (lễ hội Tịch Điền, lễ phát lương Đức Thánh Trần…), là cái nôi của nền nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu (hát chèo, múa hát dậm Quyển Sơn, giao duyên ngã 3 sông Móng). Hà Nam còn là vùng đất khoa bảng, quê hương của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và nhà văn hiện thực Nam Cao.

Bản đồ du lịch Hà Nam

Làng Nghề Thủ Công Truyền Thống

Ẩm Thực - Đặc Sản Truyền Thống

Thành phố ngã ba sông

Phủ Lý

Thành phố Phủ Lý (thành phố ngã 3 sông) là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh - nơi hội tụ của 3 con sông lớn: Sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ, rất thuận lợi về giao thông khi có tuyến đường bộ, đường sắt Bắc Nam chạy qua. Phủ Lý là nơi tập trung dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, ăn uống với trung tâm thương mại Vincom, khách sạn Melia Vinpearl Phủ Lý, khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam, nhà hàng Tân Thủy Place, Ngọc Sơn Place, công viên Nguyễn Khuyến, vườn hoa Nam Cao… Với dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 chuẩn bị hoàn thiện đưa vào sử dụng, trong tương lai gần thành phố Phủ Lý sẽ trở thành trung tâm y tế chất lượng cao của vùng.

thành phố Phủ Lý
Đền Lảnh Giang
Đền Lảnh Giang
điểm du lịch văn hóa tâm linh

Đền Lảnh Giang

Đền Lảnh Giang thuộc thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên ngự trong khuôn viên 3000m2 xanh mát cây trái hướng ra dòng sông Nhị Hà (sông Hồng) bốn mùa mênh mang sóng nước. Ngôi đền linh thiêng có từ lâu đời, thờ Tam vị Thuỷ thần đời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) cùng với công chúa Tiên Dung- con gái vua Hùng và Chử Đồng Tử - một trong bốn vị thần bất tử của dân tộc. Đền Lảnh Giang còn được biết đến là một trong 3 trung tâm thờ Mẫu chính của Hà Nam, nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy Nghi lễ chầu văn – một hình thức biểu đạt văn hóa, tín ngưỡng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội đền Lảnh Giang được tổ chức vào 2 kỳ: từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 6 âm lịch và ngày 25 tháng 8 âm lịch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Đền Lảnh Giang được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996 và công nhận là điểm du lịch năm 2017.

Các Danh thắng Tiêu biểu khác tại Hà Nam

Khu du lịch văn hóa

Khu du lịch Tam Chúc

Khu du lịch Tam Chúc nằm trên địa bàn thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, cách thủ đô Hà Nội khoảng 60km. Với vị trí tiếp giáp giữa 03 địa phương Hà Nội, Hòa Bình và Hà Nam, khu du lịch Tam Chúc có thể kết nối với các khu, điểm du lịch lớn như quần thể danh thắng Chùa Hương (Hà Nội), chùa Tiên (Hòa Bình), quần thể danh thắng Tràng An – Chùa Bái Đính (Ninh Bình)... tạo nên một trong những tuyến du lịch tâm linh lớn nhất miền Bắc.

Nằm trong Danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia , khu du lịch Tam Chúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể có diện tích vùng lõi 4.000 ha với các khu chức năng chính: Khu trung tâm đón tiếp, Khu văn hóa tâm linh, Khu bảo tồn tự nhiên Quền Vồng và hồ Tam Chúc, Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng, Khu sân golf Kim Bảng và Hồ Ba Hang, Khu trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động du lịch.

di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Đọi Sơn

Chùa Đọi Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Đọi, thôn Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên. Chùa do vua Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054 -1058, sau đó vua Lý Nhân Tông tiếp tục xây dựng hoàn thiện cùng cây tháp Sùng Thiện Diên Linh. Là một danh thắng nổi tiếng, trung tâm Phật giáo của trấn Sơn Nam xưa, Chùa Đọi Sơn ở thời Lý là “Đại danh lam kiêm đại hành cung”. Hiện nay chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý mang đậm giá trị văn hóa như: Bia Sùng Thiện Diên Linh, tượng Di Lặc bằng đồng, tượng đầu người mình chim Kinari, 6 pho tượng Kim cương…

Chùa Đọi Sơn được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2017 và được công nhận là điểm du lịch năm 2022.

chùa đọi sơn
đền Trần Thương
di tích quốc gia đặc biệt

Đền Trần Thương

Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân. Đền được xây dựng vào thời Hậu Lê, ngay trên nền kho lương của nhà Trần phục vụ cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, gia quyến và các bộ tướng của ông. Dân gian có câu “sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc” do đó có thể coi đền Trần Thương là một trong 3 nơi thờ chính của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng theo hình chữ Quốc nên trông vuông vắn, trên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng”.

Đền Trần Thương được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2015 và công nhận là điểm du lịch năm 2017.

điểm du lịch

Chùa Địa Tạng Phi Lai

Chùa Địa Tạng Phi Lai tọa lạc ở thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm. Theo nhân dân trong vùng, ngôi chùa cổ (chùa Đùng) được xây dựng khoảng thế kỷ thứ X với 120 gian, đến năm 2015 chùa được cải tạo lại và đề tên chùa Địa Tạng Phi Lai. Với vị trí được chọn lựa tỉ mỉ theo thế Tứ tượng, chùa được ôm trọn bởi dãy núi hình vòng cung cùng khu rừng thông xanh mướt và những dòng suối chảy róc rách. Tất cả đã tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình mang lại sự yên bình, thanh tịnh cho du khách.

Chùa Địa Tạng Phi Lai được công nhận là điểm du lịch năm 2022.

chùa địa tạng phi lai
điểm du lịch

Chùa Bà Đanh - Núi Ngọc

Chùa Bà Đanh có tên chữ là Bảo Sơn Tự nằm bên tả ngạn dòng sông Đáy thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng. Ngôi chùa gắn liền với câu thành ngữ “vắng như chùa Bà Đanh” có không gian yên bình, tĩnh lặng 3 mặt giáp sông với lịch sử hàng trăm năm tuổi. Chùa Bà Đanh thờ Pháp Phong và thờ phật, một tín ngưỡng hoàn toàn mang tính bản địa. Với những chi tiết chạm khắc tinh xảo, độc đáo, tinh tế, điển hình của kiến trúc truyền thống, chùa Bà Đanh được xem là một trong những ngôi cổ tự đẹp và cổ kính bậc nhất Hà Nam.

Năm 2009 chùa Bà Đanh – Núi Ngọc được công nhận là điểm du lịch.

điểm du lịch

Đền Trúc - Ngũ Động Sơn

Đền Trúc - Ngũ Động Sơn thuộc thôn Quyển Sơn, xã thi Sơn, huyện Kim Bảng. Đền Trúc tọa lạc dưới chân núi Cấm, thờ danh tướng Lý Thường Kiệt - một vị tướng tài ba, trải qua ba triều vua Lý lập rất nhiều công lớn. Các nguồn tư liệu địa phương cho biết, khi Lý Thường Kiệt đem quân đi chinh phạt quân Chiêm Thành năm 1069 đã dừng lại dưới chân núi Cấm và sau khi chiến thắng trở về ông đã cho dừng quân, hạ trại bên rừng trúc, mời dân làng tham gia mở hội mừng chiến thắng. Trong dịp này ông dạy dân làng điệu múa hát Dậm, cho quân sỹ giúp dân chăm sóc đồng ruộng và dạy dân trồng dâu nuôi tằm, dệt vải. Để tưởng nhớ người có công đối với đất nước và quê hương, nhân dân Quyển Sơn đã lập đền thờ Lý Thường Kiệt ngay tại nơi ông từng mở hội mừng chiến thắng.

Bên cạnh đền Trúc là danh thắng Ngũ Động Sơn gồm năm hang động nối liền nhau thành một dãy động liên hoàn có chiều dài hơn 100m với muôn vàn thạch nhũ và các bức họa kỳ thú, độc đáo trên vách đá được tạo nên bởi tạo hóa.

Đền Trúc – Ngũ Động Sơn được công nhận là điểm du lịch năm 2009.

Đền Trúc Hà Nam
Đền Trúc Hà Nam
Di tích lịch sử

Căn cứ địa Lạt Sơn

Di tích lịch sử căn cứ địa Lạt Sơn thuộc thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng ghi dấu ấn của Nữ tướng Lê Chân dưới thời Hai Bà Trưng. Núi Giát Dâu là ngọn núi cao nhất vùng Lạt Sơn, nơi đây ngày 13 tháng 7 năm 1943, khi không địch lại được giặc Hán, nữ tướng đã tuẫn tiết từ trên đỉnh núi xuống thung lũng. Để tưởng nhớ Bà, nhân dân trong vùng đã xây dựng chùa và đền thờ. Đền thờ nữ tướng Lê Chân ngày nay được xây dựng lại trên nền ngôi đền cũ.

Năm 2023, Di tích lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn được công nhận là di tích quốc gia.

Danh lam thắng cảnh

Bát Cảnh Sơn

Quần thể danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, nằm ở cửa ngõ Hương Sơn được coi là “tiểu thắng cảnh” của trấn Sơn Nam. Xưa kia, Bát Cảnh Sơn gồm 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ địa thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành. Ngày nay, mặc dù một vài cảnh quan đã bị hủy hoại do chiến tranh nhưng hàng năm Bát Cảnh Sơn vẫn thu hút số lượng lớn du khách đến tham quan, vãn cảnh.

Năm 2023, danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn được xếp hạng di tích quốc gia.

Đền Lăng
điểm du lịch

Đền Lăng

Đền Lăng còn đươc gọi là đền Ninh Thái (Ninh Thái linh từ) tọa lạc ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm. Đền thờ vua Đinh, vua Lê và Tam vị đại vương. Kiến trúc cũng như đồ thờ tự ở Đền Lăng mang đậm nét dân gian tinh tế, sản phẩm văn hoá thời Hậu Lê rất quý hiếm, đây cũng là công trình tín ngưỡng mà nhân dân tạo dựng để ghi dấu công ơn hai vị vua có công với đất nước. Ngoài đền Lăng, trên đất Bảo Thái xưa, Liêm Cần nay hiện còn khu mộ cụ Lê Lộc, ông nội vua Lê Hoàn được xây dựng bề thế, uy nghiêm.

Đền Lăng được công nhận là điểm du lịch năm 2022.

khu di tích lịch sử văn hóa

Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam và Đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân phòng không Lam Hạ

Khu di tích nằm trên địa bàn tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý được UBND tỉnh Hà Nam xây dựng năm 2019 để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Đền thờ nằm trên vùng đất thiêng là trận địa pháo phòng không 37 li nơi 10 nữ dân quân phòng không Lam Hạ chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Đây là công trình văn hóa tiêu biểu có ý nghĩa lịch sử, tâm linh sâu sắc, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Khu di tích được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 2016 và được công nhận là điểm du lịch năm 2022.

điểm du lịch

Từ đường Nhà thơ Nguyễn Khuyến

Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến thuộc thôn Vị Hạ, xã Trung Lương (xưa là xã Yên Đổ), huyện Bình Lục. Khu từ đường nằm trong cảnh quan thơ mộng với ao thu, ngõ trúc, vườn Bùi, là nơi thờ Nguyễn Khuyến và lưu giữ các kỷ vật, các bức hoành phi, câu đối của các bậc đại sĩ tặng nhà thơ, các bức ảnh về quan trường và các tác phẩm của ông.

Khu Từ đường Nguyễn Khuyến được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991, được công nhận là điểm du lịch năm 2022

di tích quốc gia

Khu tưởng niệm Nhà văn Nam Cao

Nam Cao là một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ XX. Đặc biệt một số nhân vật trong tác phẩm của ông đã trở thành những hình tượng điển hình. Khu tưởng niệm nhà văn - liệt sỹ Nam Cao được xây dựng từ năm 2001 đến 2004 trên chính mảnh đất quê hương ông. Đây là nơi trưng bày, lưu giữ các tài liệu, hiện vật, các tác phẩm gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của cố nhà văn. Đến đây, du khách còn được tham quan ngôi nhà nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến (trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao).

Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao được công nhận là điểm du lịch năm 2022 và được xếp hạng di tích quốc gia năm 2023.

điểm du lịch

Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện động viên cán bộ và nhân dân Hà Nam chống hạn

Để ghi nhớ công ơn Người và ghi dấu sự kiện Người về thăm Hà Nam năm 1958, Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện động viên cán bộ và nhân dân Hà Nam chống hạn đã được khởi công xây dựng tại thôn Cao Cát, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục - vị trí Bác Hồ về thăm và động viên nhân dân chống hạn cứu lúa. Khu di tích được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2017 và được công nhận là điểm du lịch năm 2022.

di tích lịch sử quốc gia

Đình Vĩnh Trụ

Di tích đình làng Vĩnh Trụ nằm trên địa bàn tổ dân phố Nguyễn Khuyến, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, thờ hai vị đại thần Đức Đông Bảng Đại vương và Đức Minh Cát Đại Vương. Hai ông có công dạy vua học hành, phò vua giúp nước. Đình làm theo phong cách thời Hậu Lê mái cong. Lễ hội Đình Vĩnh Trụ được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) nhằm ôn lại truyền thống, công lao của Đức Đông Bảng Đại vương và Đức Minh Cát Đại Vương.

Với các giá trị về kiến trúc và lịch sử, năm 1993 đình làng Vĩnh Trụ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và năm 2022 được công nhận là điểm du lịch.

GỬI TIN NHẮN LIÊN HỆ

Ban quản lý Đền Lảnh Giang

Để lại thông tin và Ban quản lý Đền Lảnh Giang sẽ liên hệ với bạn trong thời gian sớm nhất!

    Copyrights © 2024 Đền Lảnh Giang. All rights reserved.