Di sản văn hóa

Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, phổ biến, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội Việt Nam.  Trải qua hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta cùng với ảnh hưởng của Đạo giáo đã phát triển hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (ngoài ba phủ trên có thêm Địa phủ) với một hệ thống thần linh đông đảo, chủ chốt và cao nhất là Ngọc Hoàng Thượng đế, Tam Tòa Thánh Mẫu, rồi thấp dần là các hàng Quan lớn, Chầu bà, Ông Hoàng, Cô và Cậu, Ngũ Hổ và Ông Lốt… và cả các thần linh địa phương như một số Chúa bà, Cô bé… Trong hàng quan lớn, danh tiếng bậc nhất có thể nói là Quan Lớn Đệ Tam. Hầu như những người đã ra hầu Tứ Phủ, khi hầu hàng Quan Lớn, ai cũng phải hầu về Quan Đệ Tam. Ông được lập đền thờ phụng ở nhiều nơi, nhưng đầu tiên phải kể đến Đền Lảnh Giang ở Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam.
Di sản Văn Hóa Phi Vật Thể

UNESCO ghi danh di sản văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” vào ngày 01/12/2016

DI SẢN VĂN HÓA

Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ

THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG TẠI ĐỀN LẢNH GIANG

Thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ

Ở đền Lảnh Giang, hầu như tuần nào cũng có vấn hầu, thậm chí vào dịp cao điểm có thể có nhiều vấn hầu trong một ngày ở các cung khác nhau. Ngoài những lễ hầu riêng của những thanh đồng còn có những lễ hầu đồng phục vụ cho đông đảo cộng đồng được tổ chức hàng năm, đặc biệt là vào dịp lễ.

Đền Lảnh Giang được biết đến nhiều nhất với vai trò là điện thờ chính của Quan Lớn Đệ Tam. Dân gian quan niệm, ông là người anh cả trong ba vị Đại vương sau khi hóa đi, trở về Long cung làm ông cai đầu đồng, quyết định căn mệnh của con người. Cũng theo các thầy đồng, chỉ những ai “đứng bóng”(được ăn lộc hay sát căn) Quan Lớn Đệ Tam mới có khả năng soi căn mệnh cho người khác. Vì vậy, đối tượng thực hành nghi lễ hầu đồng tại đền Lảnh Giang không chỉ có con nhang đệ tử của đền (những người tôn bát nhang hoặc trình đồng, mở phủ tại đền và những đệ tử của thầy đồng đền) mà còn có đông đảo các căn đồng đến từ khắp nơi trên cả nước.

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Hát Chầu Văn

Hát Chầu văn, còn gọi là Hát Văn, là một loại hình nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo). Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, Chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh.

Nguồn gốc

Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đền Lảnh Giang là một trong những địa điểm sinh hoạt đều đặn hàng tháng của Câu lạc bộ bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam. Các tài liệu ghi chép về hát Chầu văn tuy ít, nhưng đều thống nhất: Hát Chầu văn có lịch sử hình thành lâu dài, ra đời sớm hơn so với các loại hình dân ca khác.

Tham dự

Phục vụ hát Chầu văn trong một nghi lễ hầu đồng gồm các thành tố sau: cung văn – người hát Chầu văn và dàn nhạc phục vụ hát Văn. Người ca sĩ được gọi là cung văn, thông thường là người vừa hát giỏi, vừa biết nhiều làn điệu, vừa biết chơi nhạc cụ. Dàn nhạc trong chầu văn gồm có một đàn nguyệt, một đàn nhị, một trống nhỏ (gọi là trống con), một cảnh đôi, một phách.

Trình tự

Về cơ bản trình tự thực hiện nghi lễ hát Chầu văn phục vụ hầu đồng có thể chia thành bốn phần chính: Mời thánh nhập, kể sự tích và công đức, xin thánh phù hộ và đưa tiễn. Bài hát thường chấm dứt với câu: “Xe loan thánh giá hồi cung!”.

Ý nghĩa

Hát Văn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phụ trợ, kích thích sự thăng hoa, giao cảm giữa con nhang đệ tử với thế giới thần linh. Nghe những bản văn, ta rất dễ nhận biết sự tích của các vị thánh cũng như những phong cảnh nơi các ngài giá ngự và hiển thánh. Vì thế không thể không có hát văn trong nghi lễ hầu thánh.

GỬI TIN NHẮN LIÊN HỆ

Ban quản lý Đền Lảnh Giang

Để lại thông tin và Ban quản lý Đền Lảnh Giang sẽ liên hệ với bạn trong thời gian sớm nhất!

    Copyrights © 2024 Đền Lảnh Giang. All rights reserved.