Đền Lảnh Giang là công trình kiến trúc được xây dựng có quy mô lớn, là trung tâm tín ngưỡng của một vùng. Ngôi đền tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, không gian thoáng đãng với thế đất: “Kết duyên cơ – Minh đường tụ thủy, tả Thanh Long – hữu Bạch Hổ”, nghĩa là phía trước có hồ nước lớn tựa như minh đường, biểu tượng cho sự tụ phúc; bên trái, thế đất cao lại uốn lượn, tựa như “Thanh Long” biểu tượng của yếu tố dương, phản ánh thế đi lên và hưng thịnh của ngôi đền; bên phải là mảnh đất cao và rộng, tựa như “Bạch Hổ”, biểu tượng của yếu tố âm.
Vì vậy, yếu tố âm dương có hòa hợp thì muôn vật mới nảy sinh, phát triển, đó cũng chính là quy luật của đất trời. Ngay trước cửa đền có hồ nước hình chữ nhật, diện tích khá rộng. Theo quan niệm xưa, bất cứ di tích nào cũng cần phải có yếu tố nước và thường ở phía trước các công trình tôn giáo tín ngưỡng và hồ nước được coi là yếu tố quan trọng, là một bộ phận cấu thành không thể thiếu được của các di tích. Ở chính giữa hồ nước trước cửa đền Lảnh Giang, người ta cho xây dựng một tòa thủy đình với hai tầng tám mái. Trên các cấu kiện kiến trúc ở trong tòa thủy đình được trang trí rồng, lân, hoa văn lá lật, kết hợp với kiến trúc tàu đao lá mái đã tạo nên vẻ uy nghi, trang trọng cho ngôi đền.
Về yếu tố nước, ở đây có sự đồng nhất với nguồn gốc các vị thần linh được phụng thờ. Lai lịch của ba vị đại vương được thờ đầu tiên rõ ràng là diện mạo của các thủy thần và tiếp đó là Chử Đồng Tử cũng xuất phát từ sông nước. Vì vậy khi bàn đến sự lựa chọn yếu tố nước để xây dựng kiến trúc cũng có những cơ sở, nền tảng từ yếu tố tâm linh.
Về hướng, đền Lảnh Giang quay ra hướng Đông, hướng con sông Hồng chảy qua, mang theo phù sa bao đời nay ôm ấp, cưu mang những người con Yên Lạc. Do vậy, hướng và kết cấu của đền Lảnh Giang đã như chứa đựng một ý nghĩa sâu xa về tâm linh gắn với bản sắc lịch sử văn hóa của cộng đồng cư dân vùng đất Duy Tiên xưa.
Ngoài việc quan tâm đến thế đất và hướng, người xưa còn rất cẩn trọng trong việc bài trí và sắp đặt thiên nhiên cây cỏ với ý nghĩa tâm linh, thanh tịnh làm đẹp cho di tích và cũng tạo ra sự gắn bó hòa quyện khó có thể tách rời với thiên nhiên cây cỏ. Hơn thế nữa, cây cối còn là nơi trú ngụ của linh thần, nơi neo đậu của những linh hồn tìm đến sự che chở của các vị đức thánh. Đối với đền Lảnh Giang, ở phía trước cổng đền trồng nhiều cây xanh, rễ bao trùm lấy các động đá thờ Bà chúa Sơn trang tạo nên vẻ u tịch, linh thiêng. Phía trước và xung quanh thủy đình còn trồng nhiều cây nhãn, hoàng lan… tỏa bóng mát và hương thơm, làm tăng thêm vẻ đẹp cho không gian di tích.
Kết duyên cơ – Minh đường tụ thủy, tả Thanh Long – hữu Bạch Hổ