Dựa trên những lễ nghi xưa qua lời kể, những ghi chép của các bậc kỳ lão trong thôn Yên Lạc và kế hoạch phục dựng lễ hội đền Lảnh Giang năm 2009 của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, trước khi mở hội một tháng, Ban tổ chức lễ hội đền Lảnh Giang đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội một cách chi tiết, bổ sung thêm những hoạt động văn hóa nghệ thuật đương đại phù hợp với phát triển xã hội hiện nay, và quan trọng nhất là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lễ hội, bao gồm:
Công tác chuẩn bị nhân lực cho lễ hội đã được tiến hành vài tháng trước ngày mở hội. Lễ hội hiện nay thu hút sự quan tâm không chỉ riêng những bậc kỳ lão mà toàn bộ các tầng lớp, cư dân trong thôn: bao gồm người cao tuổi, trung niên hay thanh thiếu niên.
Trước tiên là lực lượng phụ trách chỉ đạo bao gồm: Ban tổ chức, Ban chỉ đạo lễ hội và Ban quản lý di tích. Ban tổ chức sẽ lên kế hoạch cụ thể phân công công việc tới từng cá nhân, tập thể liên quan. Việc thực hành các nghi lễ chủ yếu do các vị cao niên trong thôn được dân tín nhiệm bầu ra và thủ nhang đền Lảnh đảm trách.
Lực lượng tham gia đoàn rước có sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Đội hình đoàn rước do người dân thôn Yên Lạc đảm trách gồm có: Đội múa rồng, lân; cờ hội; trống sấm; kiệu cỗ; đội lễ vật; kiệu song hành; kiệu Mẫu; kiệu long đình; kiệu bát cống; bát bửu; đội tế nam. Đoàn đội lễ vật còn có sự tham gia của người dân các thôn Hoàn Dương, Đô Quan, Yên Ninh. Con nhang đệ tử của đền Lảnh Giang tham gia vào các đội như đội tế nữ, đội đóng đồng… Trong mỗi đội của đoàn rước, những người có trách nhiệm sẽ sắp xếp nhân lực cho hợp lý và thông báo kế hoạch tập luyện cho từng người trong đội.
Bên cạnh đó các hoạt động chuẩn bị khác cho các nghi lễ, trò diễn như tập tế lễ, tập rước kiệu, sửa chữa, bổ sung hoặc sắm mới đồ nghi vệ (cờ, quạt, bát bảo), đồ khí tự, trang phục, luyện đánh trống rước, trống tế cũng được phân công và tập dượt cẩn thận.