Lễ vật dâng cúng lên thần có ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng với người dân Yên Lạc. Đó là những gì tinh túy nhất từ nền sản xuất nông nghiệp được người dân chọn lựa kĩ càng, kính cẩn. Ngoài hương, hoa, quả, đăng, thuốc lá, rượu, vàng hương, vàng mã thì lễ vật đặc biệt được dâng lên thần vào ngày khai hội (tức ngày 2 tháng Sáu) là một con lợn quay. Lễ mặn dùng cho lễ tế thần (ngày mùng 3 tháng Sáu) gồm một mâm xôi, một con cá chép rán, một thủ lợn và một con gà trống thiến. Lễ vật ngày nay đã có phần đa dạng hơn và không còn mang tính quy phạm như trước.
Trước đây, lễ vật dùng trong các ngày chính hội thường có vàng hương, trầu rượu, hoa quả, bánh chưng, bánh dày, mâm xôi, thủ lợn đen thiến, oản, thịt lợn đen thiến, thịt dê, xôi gà, cỗ chay. Thời xưa, đây được hiểu là những lễ vật sang trọng, tinh túy dâng lên để cúng thánh thần. Song không nằm ngoài lối tư duy cân bằng Âm – Dương của phương Đông. Ngũ quả biểu trưng cho ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, bánh chưng, bánh dày biểu trưng cho trời (dương) và đất (âm), mâm xôi trắng (dương) – thịt lợn đen (âm)…Theo nguyên lý, sự kết hợp hài hòa của yếu tố âm và yếu tố dương chính là mấu chốt của sự sinh sôi, phồn thịnh. Những lễ vật ấy là tinh hoa được chắt lọc từ chính nền sản xuất nông nghiệp, được người nông dân chế biến theo yêu cầu thiêng hóa rồi kính cẩn dâng lên. Với mong muốn được thánh chứng tâm mà ban phúc, lộc, bảo trợ cho làng. Con lợn dùng làm lễ vật được giao cho một gia đình trong thôn chăm sóc. Để đảm bảo công bằng, các bậc chức sắc, chức dịch quyết định mỗi năm sẽ giao cho một hộ khác nhau cứ quay vòng theo năm cho hết các hộ trong thôn, bởi người dân quan niệm nhà nào được chọn năm ấy là được thánh bảo hộ, được hưởng nhiều lộc. Việc chăm nuôi con lợn phải đảm bảo những yêu cầu nhất định như nuôi riêng, cho ăn thức ăn sạch và tắm cho lợn hàng ngày… Bởi đối với người dân đó là con lợn thiêng, là lễ vật thiêng dâng lên thần. Chăm sóc tốt cho con lợn ấy cũng chính là cách bày tỏ lòng thành với các vị thần linh.