ĐỀN LẢNH GIANG

Lịch Sử Nhân Vật Phụng Thờ

Căn cứ vào Thần tích về các vị thần được thờ tự tại đền Lảnh Giang cùng những sắc phong còn lại và qua quá trình khảo sát thực tế cho thấy, Đền Lảnh thờ ba vị tướng thời Hùng Duệ Vương và phối thờ vợ chồng công chúa Tiên Dung - Chử Đồng Tử.

sự tích phụng thờ

Tam Vị Đại Vương (Thủy Thần)

Sự tích về ba vị tướng thời Hùng Duệ Vương thờ tại Đền Lảnh Giang được chép trong Bản Thần tích “Hùng triều nhất vị thuỷ thần xuất thế sự tích” (Sự tích ra đời một vị thuỷ thần thời vua Hùng). Thần tích này do Bát phẩm thư lại Nguyễn Hiền, tuân theo bản cũ triều trước, chép lại vào niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2.

Altar of the King of Eight Seas and the Three Great Generals in the Rear Hall of Lanh Giang Temple

Ban thờ Vua cha Bát Hải và Tam vị Đai Vương trong Hậu cung đền Lảnh Giang

Thần tích chép rằng: “Vào cuối thời Hùng vương thứ 18, ở trang An Cố huyện Thụy Anh phủ Thái Ninh đạo Sơn Nam có ông Phạm Túc và vợ là Trần Thị Ngoạn hiền lành, chất phác, chuyên làm những điều phúc thiện, giúp đỡ mọi người. Vợ chồng ăn ở hòa thuận, cuộc sống có phần dư giả nhưng chỉ buồn một nỗi tuổi đã cao mà chưa có con cái. Một đêm trăng sáng mát mẻ, bà Ngoạn đang dạo chơi thì bỗng gặp một người con gái. Sau khi ân cần hỏi thăm được biết cô vốn là người phương Bắc vì nhà nghèo, cha mẹ mất sớm lại không có anh em thân thích nên phải đi tha phương cầu thực, bà Ngoạn động lòng bèn nhận làm con nuôi và đặt tên cho là Quý. Nàng Quý về ở với vợ chồng Phạm Túc được vài năm thì bỗng nhiên ông Túc mắc bệnh rồi qua đời.

Sau ba năm để tang cha nuôi đã trọn, một hôm nàng Quý ra bãi biển tắm gội. Đang lúc ngâm mình dưới nước thì bỗng đâu một con thuồng luồng bơi tới quấn lấy mình nàng Quý ba vòng, một lát sau thì bỏ đi. Nàng Quý trở về nhà rồi từ đó mang thai. Vì không chịu được những lời dèm pha, mắng chửi của dân làng, nàng Quý đành phải trốn đến xin ngụ cư ở trang Hoa Giám (nay là thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên). Ba tháng trôi qua, đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Tỵ, nàng Quý chuyển dạ rồi sinh ra một cái bọc. Cho là kỳ quái, nàng Quý bèn đem bọc ra biển quẳng đi. Bọc này trôi đến cửa sông thuộc trang Đào Động thì vướng vào lưới của một người đánh cá tên là Nguyễn Minh. Sau vài lần gỡ rồi ném đi nhưng bọc vẫn cứ mắc vào lưới, ông Minh thấy lạ bèn khấn rằng: “Nếu bọc này linh thiêng thì cho tôi xin rạch thử xem sao?”. Khấn rồi ông Minh cầm dao rạch thì thấy ba con rắn vùng mình từ trong bọc lao ra và trườn xuống sông. Con thứ nhất về trú ở sông trang Đào Động, con thứ hai về cửa sông Thanh Do, con thứ ba thì về trang Hoa Giám nơi nàng Quý đang sống.

Khi con rắn thứ nhất về sống ở cửa sông trang Đào Động, mọi người trông thấy đều sợ hãi cho là vị thủy thần xuất thế nên cùng nhau khấn vái, xin được lập sinh từ để thờ. Ba năm sau vào một đêm trời tối tăm, mù mịt, ngoài cửa sông sấm sét nổi lên dữ dội, đến gần sáng mọi người đều nghe thấy dưới sông có tiếng người ngâm vịnh:

“Sinh là tướng, hóa là thần,
Tiếng thơm còn ở lòng dân muôn đời.
Khi nào giặc dã khắp nơi,
Bọn ta mới trở thành người thế gian”

Cũng từ đó người dân địa phương cầu xin mọi việc đều thấy linh nghiệm.

Giấc Mơ Về Ba Vị Thủy Thần Ở Sơn Nam

Lại nói về Vua Hùng Duệ Vương (đời Hùng Vương thứ 18) sinh được tất cả 20 con trai và 6 con gái nhưng sau chỉ còn Tiên Dung công chúa và Ngọc Hoa công chúa. Người con gái thứ nhất là Tiên Dung công chúa đã lấy Chử Đồng Tử, người con gái thứ hai Ngọc Hoa công chúa được Vua Hùng Duệ Vương gả cho Tản Viên Sơn Thánh. Tản Viên Sơn Thánh là người tài giỏi, thông hiểu hết việc trời đất nên được Duệ Vương yêu mến và có ý muốn nhường ngôi báu. Lúc này có Thục Phán cũng thuộc dòng dõi tôn thất vua Hùng, thấy Duệ Vương tuổi đã cao mà lại không có con trai nên có ý định cướp ngôi. Thục Phán cầu viện binh phương Bắc rồi chia làm 5 tuyến đường thủy bộ cùng một lúc tiến đánh kinh đô. Trước thanh thế vang dội của quân Thục, Duệ Vương vô cùng lo sợ bèn lập đàn cầu đảo trời đất. Đêm đêm nhà vua mơ thấy một vị sứ giả mặc áo xanh từ trên trời xuống trước sân rồng nói rằng: “Nhà vua nên triệu ba vị thủy thần sinh ở đạo Sơn Nam hiện hãy còn là hình con rắn thì tất sẽ dẹp xong được giặc”. Tỉnh dậy nhà vua liền sai sứ giả cứ theo đường chỉ dẫn trong giấc mộng tìm về đạo Sơn Nam.

Ban thờ Quan lớn Đệ Tam

Ban thờ Quan Lớn Đệ Tam

Khi sứ giả vừa đến trang Đào Động thì bỗng nhiên mưa to, gió lớn, sấm sét dữ dội nổi lên ở cửa sông rồi có một người mặt rồng, mình cá chép cao 8 thước, sức khỏe địch muôn người đến trước mặt xưng tên là Vĩnh xin được đi dẹp giặc. Sau đó ông Vĩnh đi gọi hai anh em và bái biệt thân mẫu rồi cùng nhau đến yết kiến nhà vua. Vua Hùng nhìn thấy hình dáng ba anh em khác hẳn người thường bèn phong cho ông Vĩnh là Trấn Tây, giữ các vùng Sơn Nam, Ái Châu, Hoan Châu cùng với hai em và các tướng hợp nhau chống giặc Thục.

Ngay hôm đó, hai mươi vạn quân Hùng cùng hàng ngàn danh tướng bố trí thế trận. Sơn Thánh chỉ huy tiền quân, ông Vĩnh chỉ huy trung quân, hai em ông Vĩnh đốc thúc hậu quân. Trước thế mạnh như chẻ tre của quân triều đình, cả 5 đạo quân Thục đều bị tiêu diệt. Hùng Duệ Vương nghe tin thắng trận bèn truyền lệnh giết trâu, mổ bò khao thưởng quân sĩ. Vì có công lớn, ông Vĩnh được nhà vua phong là Binh Phủ Ngư Thượng Đẳng Thần nhưng ông không nhận, chỉ xin cho dân Đào Động hàng năm không phải chịu sưu dịch. Được vua Hùng đồng ý, ông Vĩnh cùng hai em liền về Đào Động mở tiệc khao thưởng gia thần, dân chúng, rồi đến trang Hoa Giám bái yết thân mẫu.

Khi về trang Đào Động, thấy ở bến sông có một khu đất tốt, ông Vĩnh bèn cho lập đền dinh cư trú, rồi ban cho dân nghìn hốt vàng để mua ruộng đất lo việc hương khói sau này. Ngoài ra, ông Vĩnh còn khuyến khích việc nông tang, khuyên mọi người làm việc thiện, bỏ điều ác, nhân dân nhờ đó mà có được cuộc sống no đủ, sung túc. Ông Vĩnh về ở với dân Đào Động được vài năm thì đến ngày 25 tháng Tám năm Bính Dần, trong lúc đang ngồi ở cung thất của mình, bỗng dưng giữa ban ngày trời đất tối sầm lại rồi mưa, gió ầm ầm đổ xuống. Khi trời quang mây tạnh, mọi người đến thì không nhìn thấy ông đâu nữa. Cho là điều kỳ lạ, nhân dân địa phương bèn làm biểu tâu với triều đình. Nhà vua nghe chuyện, nhớ tới công lao đánh giặc khi trước bèn gia phong là “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Thái Thượng Đẳng Thần”. Đồng thời đặt lệ quốc tế, ban sắc chỉ cùng 400 quan tiền cho dân Đào Động rước thần hiệu, tu sửa đền miếu để phụng thờ. Cùng với dân Đào Động, dân trang Hoa Giám cũng lập đền thờ tưởng nhớ công lao đánh giặc của anh em ông Vĩnh.

Các Tích Khác

Nghệ Nhân Nhân Dân Phạm Hải Hậu

Hình tượng Quan Lớn Đệ Tam được Nghệ nhân nhân dân Phạm Hải Hậu thể hiện trong nghi lễ hầu Thánh

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền một sự tích khác về vị thần được thờ tại đền Lảnh Giang như sau:

“Trong số ba anh em họ Phạm, chỉ có một mình ông Phạm Vĩnh, tức người anh cả giáng sinh vào một nhà quý tộc dưới thời Hùng Vương, ông trở thành vị tướng quân thống lĩnh ba quân thuỷ lục. Sau đó trong một trận quyết chiến, ông bị chém, phần thượng thân (đầu) trôi về bến Lảnh được nhân dân thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam chôn cất và lập đền thờ (hiện nay là đền Lảnh Giang), còn phần hạ thân (mình) trôi về phía bên kia của con sông Lục Đầu được nhân dân thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên thờ phụng (hiện nay là đền Quan Lớn). Khi ông hoá, về chầu Long Cung, là người cầm cân nảy mực, thông tri tam giới, quyền cai các thanh đồng đạo quan (vậy nên người ta còn gọi là Ông Cai Đầu Đồng). Khi thanh nhàn ông truyền ba quân tập hợp thuyền bè, dạo chơi khắp miền, phù hộ cho ngư dân”.

Mặt khác, Đền Lảnh Giang hiện cũng còn lưu giữ một số đạo sắc phong của các triều đại cho phép người dân địa phương được phụng thờ “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Đại Vương”. Sắc niên hiệu Duy Tân thứ 7 (1913) ngày 8 tháng 10 chép: “Sắc cho xã An Lạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam phụng thờ Trấn An Tây Nam Tam Kỳ Linh ứng triều Hùng thiêng liêng”. Ngoài việc thờ ông Vĩnh, đền Lảnh Giang còn thờ cả hai người em của ông, điều này được minh chứng bởi chữ Hán ghi trên bức đại tự và câu đối cổ được lưu giữ ở Tòa Trung đường.

Bức đại tự có ghi:

三 靈 顯 聖
“Tam linh hiển thánh”,
(Ba vị linh thiêng sáng rõ bậc Thánh)
三 靈 眷 佑
“Tam linh quyến hựu”
(Ba vị anh linh che chở giúp đỡ)

Câu đối có chép:
“Tứ thiên niên quốc tục thượng thần, bát hải long phi truyền dị tích,
Đệ tam vị hoàng cung hiển thánh, Lảnh Giang kình thiếc tạ linh thanh”.

Tạm dịch là:
“Bốn ngàn năm tục nước thờ thần, tám biển rồng bay truyền dấu lạ.
Vị thứ ba cung vua hiển thánh, Lảnh Giang sóng lặng tiếng thiêng còn”.

sự tích phụng thờ

Công Chúa Tiên Dung - Chử Đồng Tử

Trong “Ngọc phả đền thiêng xã An Bảo” được lưu giữ tại Đền Mẫu, có ghi chép về truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tiên Dung như sau.

Vua Hùng thứ 18 sinh được một người con gái tên là Tiên Dung. Mẹ của Tiên Dung tên là Nguyễn Thị Phương, quê ở xã An Bảo, huyện Thường Tín, phủ Phú Xuyên (nay là thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Bà được nhà vua phong là Nhân từ hoàng hậu. Hoàng hậu thường cùng công chúa Tiên Dung đi thuyền về quê giúp đỡ nhân dân; cứu giúp người nghèo, tật bệnh; khơi cừ đắp đường cho người yên vật lợi. Một hôm công chúa Tiên Dung về quê bái kiến nhà ngoại, cách quê ngoại còn vài dặm, bèn dừng thuyền tắm gội. Chỗ công chúa tắm chính là nơi Chử Đồng Tử ẩn nấp. Vì nhà nghèo Chử Đồng Tử không có khố để mặc nên khi thấy công chúa đã phải vùi mình trong cát.

Gặp Chử Đồng Tử, Tiên Dung cho rằng đó là duyên định nên xin kết duyên vợ chồng. Hùng Vương biết chuyện rất tức giận và không cho phép hai người được trở về cung. Hai vợ chồng cùng mở chợ buôn bán và giúp đỡ nhân dân.

Đền lảnh giang - Ban thờ công chúa Tiên Dung

Ban thờ công chúa Tiên Dung

Altar of Chu Dong Tu

Ban thờ Chử Đồng Tử

Một hôm, trong một lần đi ngoạn cảnh, hai vợ chồng gặp được một vị Thiền sư cho một chiếc gậy và một chiếc nón thần. Có lần hai vợ chồng đi tới ven rừng thì trời tối, bèn cắm gậy che nón để nghỉ, thì bỗng thấy có một thành quách, cung điện nguy nga, kim đồng ngọc nữ hầu hạ, tướng sĩ, thị vệ đông đầy. Sáng ra ai thấy cũng đều kinh sợ. Vua cha biết chuyện cho rằng con gái và con rể có ý làm phản bèn cho quân đến đánh dẹp. Thế nhưng khi quân triều đình vừa tới đã bị gió cuốn xuống nước tan tác hết. Ít ngày sau, vào một đêm trăng sáng toàn bộ thành quách bay về trời. Chỗ đất ấy sụt thành đầm lớn, người dân thấy vậy bèn lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn hai người.

Từ khi vợ chồng Tiên Dung về trời, vài năm sau bỗng nhiên hạn hán, cây cối chết rụi, tật dịch người chết đầy đường. Bỗng nhiên một hôm, có đám mây vàng bay là là trước miếu thổ thần, đoán là người xưa nên dân An Bảo mừng rỡ dập đầu lạy tạ kêu xin cứu vớt qua cơn tai ách. Chử Đồng Tử hiện lên sai người dân ra sông lấy nước, rồi ông ngậm nước phun lên không trung. Lúc sau, trời đổ mưa lớn, qua ba ngày đêm mới tạnh. Đến ngày thứ tư, thì hai vợ chồng Tiên Dung cùng hiện về làm lễ ở nơi từ đường họ Nguyễn, tại bên trái Miếu thổ thần rồi mở tiệc khao dân. Bấy giờ là ngày 16 tháng Bảy. Từ đó về sau làng lấy ngày đó để mở hội để ghi nhớ công lao của hai vợ chồng Tiên Dung trở về quê cũ cứu giúp dân làng.

Hiện nay, pho tượng thờ công chúa Tiên Dung tuy vẫn được thờ cúng trong hệ thống thần điện của đền Lảnh Giang nhưng lại được đặt tại nhà Mẫu còn ngai thờ và bài vị bài vị của Chử Đồng Tử được người dân rước về thờ tại đền Mẫu ở trong đê vì Ngài là thành hoàng của thôn Yên Lạc.

GỬI TIN NHẮN LIÊN HỆ

Ban quản lý Đền Lảnh Giang

Để lại thông tin và Ban quản lý Đền Lảnh Giang sẽ liên hệ với bạn trong thời gian sớm nhất!

    Copyrights © 2024 Đền Lảnh Giang. All rights reserved.