
Lễ Hội Và Sự Kiện
TẠI ĐỀN LẢNH GIANG

Lễ Hội Và Sự Kiện
TẠI ĐỀN LẢNH GIANG
Lễ hội Truyền thống Đền Lảnh
Lễ hội đền Lảnh Giang trước đây được tổ chức hai kỳ trong năm: Lễ hội tháng Sáu (âm lịch) và lễ hội tháng Tám (âm lịch) . Tuy nhiên, sau nhiều năm lễ hội bị thất truyền, năm 2009 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phục dựng thành công lễ hội đền Lảnh Giang kết hợp giữa dân gian và đương đại. Từ đó, hàng năm đền Lảnh Giang chỉ tổ chức một kỳ lễ hội chính trong năm vào tháng Sáu.
Lễ hội chính của đền Lảnh Giang hiện nay được tổ chức từ ngày mùng 1 tháng Sáu đến ngày mùng 4 tháng Sáu (âm lịch) hàng năm. Theo lịch chính thì lễ hội diễn ra trong 4 ngày nhưng thực tế, ngày 25 tháng Sáu mới tiến hành làm lễ tạ để kết thúc lễ hội.
Theo thần tích được lưu giữ tại đền thì ngày 25 tháng Tám năm Bính Dần là ngày hóa của ông Phạm Vĩnh (vị thần được thờ tại đền Lảnh Giang). Trong bản Thần tích chép trên giấy sắc cũng đã ghi rõ: “Ngày sinh thần: ngày 10 tháng Giêng, lễ: trên dùng lễ chay, dưới dâng thịt lợn. Ngày hóa thần: ngày 25, tháng 8, lễ dùng thịt trâu, bò, xôi, rượu”.
Từ năm 2009, lễ hội đền Lảnh được tổ chức với quy mô lớn hơn (quy mô cấp vùng) và nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân trên cả nước dẫn đến số lượng người tham gia cũng đông hơn trước gồm:
Nhân dân địa phương: Vào những ngày diễn ra lễ hội người dân Yên Lạc ở đủ các độ tuổi đều tích cực tham gia vào các hoạt động của lễ hội với một tinh thần tự giác và hào hứng.
Khách thập phương: Ngày nay, lễ hội được phục dựng lại năm 2009 với quy mô cấp vùng càng thu hút hơn nữa sự quan tâm của du khách gần xa; họ không chỉ đến hành lễ mà họ còn trực tiếp tham gia vào đoàn rước, rất đông và đa dạng nhiều thành phần.
Trước tiên là lực lượng phụ trách chỉ đạo bao gồm: Ban tổ chức, Ban chỉ đạo lễ hội và Ban quản lý di tích. Ban tổ chức sẽ lên kế hoạch cụ thể phân công công việc tới từng cá nhân, tập thể liên quan. Việc thực hành các nghi lễ chủ yếu do các vị cao niên trong thôn được dân tín nhiệm bầu ra và thủ nhang đền Lảnh đảm trách.
Lực lượng tham gia đoàn rước có sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Đội hình đoàn rước do người dân thôn Yên Lạc đảm trách gồm có: Đội múa rồng, lân; cờ hội; trống sấm; kiệu cỗ; đội lễ vật; kiệu song hành; kiệu Mẫu; kiệu long đình; kiệu bát cống; bát bửu; đội tế nam. Đoàn đội lễ vật còn có sự tham gia của người dân các thôn Hoàn Dương, Đô Quan, Yên Ninh. Con nhang đệ tử của đền Lảnh Giang tham gia vào các đội như đội tế nữ, đội đóng đồng…
Lễ vật dâng cúng lên thần có ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng với người dân Yên Lạc. Đó là những gì tinh túy nhất từ nền sản xuất nông nghiệp được người dân chọn lựa kĩ càng, kính cẩn. Ngoài hương, hoa, quả, đăng, thuốc lá, rượu, vàng hương, vàng mã thì lễ vật đặc biệt được dâng lên thần vào ngày khai hội (tức ngày 2 tháng Sáu) là một con lợn quay. Lễ mặn dùng cho lễ tế thần (ngày mùng 3 tháng Sáu) gồm một mâm xôi, một con cá chép rán, một thủ lợn và một con gà trống thiến.
Trước đây, lễ vật dùng trong các ngày chính hội thường có vàng hương, trầu rượu, hoa quả, bánh chưng, bánh dày, mâm xôi, thủ lợn đen thiến, oản, thịt lợn đen thiến, thịt dê, xôi gà, cỗ chay. Thời xưa, đây được hiểu là những lễ vật sang trọng, tinh túy dâng lên để cúng thánh thần. Song không nằm ngoài lối tư duy cân bằng Âm – Dương của phương Đông. Ngũ quả biểu trưng cho ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, bánh chưng, bánh dày biểu trưng cho trời (dương) và đất (âm), mâm xôi trắng (dương) – thịt lợn đen (âm)…Theo nguyên lý, sự kết hợp hài hòa của yếu tố âm và yếu tố dương chính là mấu chốt của sự sinh sôi, phồn thịnh.
Những Giá trị Đặc sắc
Giá trị Lịch sử
Theo thần tích và những đối chiếu sử liệu, nhân vật được phụng thờ tại Đền Lảnh Giang là ba vị thủy thần thời Hùng Duệ Vương, phối thờ đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, công chúa Tiên Dung, Chử Đồng Tử, ngoài ra còn thờ ông Hoàng Bẩy, Ông Hoàng Mười, Trần Triều, Tam tòa Thánh Mẫu…
Vì thế, lễ hội đền Lảnh Giang có một vị trí, vai trò nhất định đối với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Các nghi lễ trong lễ hội đền Lảnh Giang là sự tái hiện các lớp trầm tích văn hóa, là sự kế thừa và phát huy giá trị của tín ngưỡng cư dân vùng hạ châu thổ sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.
Giá trị Khoa học
Lễ hội đền Lảnh Giang góp phần bổ sung sự phong phú và đa dạng cho hệ thống lễ hội tiêu biểu ở nước ta. Lễ hội cung cấp những tư liệu quý giá về lịch sử, tự nhiên, văn hóa, xã hội và phong tục tập quán của vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng. Khi nghiên cứu lễ hội đền Lảnh Giang, chúng ta thấy được sức mạnh mềm của văn hóa, tín ngưỡng trong đời sống xã hội. Sức mạnh này đã tạo nên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làng xã, khơi dậy lòng tự hào của cộng đồng với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hơn thế nữa, di tích và lễ hội Lảnh Giang đã làm tốt vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Giá trị Văn hóa
Lễ hội đền Lảnh Giang là lễ hội tiêu biểu mang bản sắc văn hóa của người Việt vùng hạ châu thổ sông Hồng. Là sự tích hợp các lớp văn hóa sớm, muộn trong diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Trước tiên là tục thờ thủy thần của cư dân ven sông Hồng, sau đó là tín ngưỡng thờ Tiên Dung – Chử Đồng Tử và sự cung đình hóa, lịch sử hóa, mẫu thân của công chúa Tiên Dung dưới thời Lê Thánh Tông. Vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII, tín ngưỡng thờ thủy thần lại được hội nhập vào thần điện của tín ngưỡng thờ Mẫu để xây dựng nên hình tượng Quan Lớn Đệ Tam (Quan Lớn đền Lảnh).
Chiều sâu ý nghĩa của các nghi thức trong lễ hội thể hiện bản sắc của cư dân ven sông Hồng cùng với quá trình khai phá và chinh phục vùng hạ lưu châu thổ. Tục rước nước thờ, tục rước kiệu Mẫu, bơi chải thể hiện sự tôn vinh những nhân vật được phụng thờ. Thời gian tổ chức lễ hội là từ tháng Sáu, tháng Bảy, tháng Tám âm lịch, chính là thời điểm con nước sông Hồng bắt đầu, trong và cuối mùa lũ vào tạo nên bản sắc riêng của lễ hội đó là tín ngưỡng cầu nước. Lễ hội đền Lảnh Giang còn mang trong mình những yếu tố mang tính saman với những diễn xướng hầu thánh của những thanh đồng “đứng bóng” (hay ăn lộc hoặc sát căn) Quan Lớn Đệ Tam.
Tuần Văn hóa Du lịch Lảnh Giang
Từ năm 2020, Lễ hội đền Lảnh Giang được tổ chức lồng ghép với Tuần Văn hóa Du lịch Lảnh Giang nhằm giới thiệu những giá trị đặc sắc của Lễ hội đền Lảnh Giang, đồng thời giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật về tài nguyên du lịch của thị xã Duy Tiên tới đông đảo du khách thập phương. Đây cũng là một hoạt động tiêu biểu nhằm hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND thị xã Duy Tiên chọn đền Lảnh Giang, xã Mộc Nam tổ chức Tuần Văn hóa Du lịch Lảnh Giang năm 2020.
Lễ hội đền Lảnh Giang và Tuần Văn hóa Du lịch Lảnh Giang năm 2020, ngoài các nghi lễ truyền thống, còn tổ chức một chuỗi các hoạt động văn hóa du lịch như: Liên hoan diễn xướng hát Văn, Chầu văn Lảnh Giang 2020; Triển lãm “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Hà Nam” và trưng bày cổ vật; Trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống của thị xã Duy Tiên; Liên hoan văn nghệ, biểu diễn vở chèo: “Huyền tích bến Lảnh Giang”; Giải vật “Lễ Hội Lảnh Giang mở rộng năm 2020”; Thi đấu bóng chuyền hơi; Chiếu phim lưu động… Chuỗi các hoạt động này đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa tiêu biểu của địa phương, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy các giá trị văn hóa, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến với các điểm, tour, tuyến du lịch của thị xã Duy Tiên nói riêng, tỉnh Hà Nam nói chung. Lễ hội đền Lảnh Giang và Tuần Văn hóa Du lịch Lảnh Giang năm 2020 đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự với hàng nghìn lượt người mỗi ngày.