
Điểm Tham Quan Đặc Sắc
TẠI ĐỀN LẢNH GIANG

Điểm Tham Quan Đặc Sắc
TẠI ĐỀN LẢNH GIANG
Tham quan tại Đền Lảnh Giang
Vị trí hiện nay của đền Lảnh Giang được các thế hệ người xưa lựa chọn là một thế đất tuyệt đẹp. Đó là sự hội tụ các yếu tố vừa hợp địa thế phong thủy, vừa hợp với quy luật âm dương ngũ hành. Với thế đất này, đền Lảnh Giang đã được các thế hệ con cháu nối tiếp giữ gìn, phát huy để tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc vừa mang tinh thần truyền thống lại vừa mang tính đương đại.
Không gian Văn hóa Đặc sắc
Đền Lảnh Giang là công trình kiến trúc được xây dựng có quy mô lớn, là trung tâm tín ngưỡng của một vùng. Ngôi đền tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, không gian thoáng đãng với thế đất: “Kết duyên cơ – Minh đường tụ thủy, tả Thanh Long – hữu Bạch Hổ”, nghĩa là phía trước có hồ nước lớn tựa như minh đường, biểu tượng cho sự tụ phúc; bên trái, thế đất cao lại uốn lượn, tựa như “Thanh Long” biểu tượng của yếu tố dương, phản ánh thế đi lên và hưng thịnh của ngôi đền; bên phải là mảnh đất cao và rộng, tựa như “Bạch Hổ”, biểu tượng của yếu tố âm.
Trải qua các triều đại phong kiến, công trình đã được tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Lần trùng tu cuối cùng vào niên hiệu Bảo Đại thứ 18 (1943). Đền quay về hướng Đông, gồm 3 tòa (Tiền tế, Trung tế và Hậu cung), 14 gian làm theo kiểu chữ “Công”, tường bao quanh tạo lối nội công, ngoại quốc.
Tòa Hậu Cung
Hậu cung nối liền với tòa Trung đường bằng kỹ thuật giao mái, bắt vần công phu, 5 gian hậu cung được liên kết với nhau bởi các cấu kiện vì kèo theo kiểu uốn vành mai độc đáo. Phần mái của hậu cung được lợp bằng ngói vảy hến, bờ nóc được xây gạch trát vữa và trang trí đề tài lưỡng long chầu nhật. Ở hai đầu đốc trang trí mô típ quen thuộc “rồng ngậm chữ thọ”. Bên trong hậu cung thờ vua cha Bát Hải và ba vị tướng dưới thời vua Hùng (Hùng Duệ Vương), bên cạnh đó, trong Hậu cung còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị. Mặc dù là một công trình được xây mới song tòa hậu cung đã góp phần tạo cho ngôi đền một quy mô bề thế.
