Đền Lảnh Giang đậm hào khí địa linh nhân kiệt tại Hà Nam

Đền Lảnh Giang có tên chữ Hán là “Lảnh Giang linh từ”, và tên gọi dân gian là “Đền Lảnh Giang”, “Đền Lảnh” hay “Đền Quan Lớn Đệ Tam”. Là một ngôi đền linh thiêng có từ lâu đời, tọa lạc trên một khu đất rộng, bao phủ bởi một không gian xanh của bạt ngàn cây lá, hòa quyện với đầm sen, bến nước bên bờ hữu ngạn sông Hồng bốn mùa mênh mang nước, thuộc thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Theo thần tích, Đền Lảnh Giang thờ Tam vị Thủy thần đời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) và phối thờ vợ chồng Công chúa Tiên Dung – Chử Đồng Tử…

Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo, kiến trúc đền hiện nay gồm các công trình: Hồ nước, Nghi môn và Đền chính. Hồ được trồng hoa súng đỏ, giữa hồ là “Phương du” (thủy đình) được xây dựng theo kiến trúc ba gian, hai tầng tám mái và có hai cầu nối hai bên. Nghi môn đền xây theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái với các đầu đao cong vút đắp nổi hình đầu rồng, đan xen là mặt nguyệt, lá lật cách điệu mềm mại. Ðền chính có bố cục hình chữ “Công” bao gồm 3 tòa với 14 gian lớn, nhỏ; hai bên có nhà khách, lầu thờ, bốn bên có tường gạch bao quanh. Trong đó, nổi bật nhất là tòa Trung tế được dựng theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái cong.

Ngoài phong cách kiến trúc độc đáo, đền Lảnh Giang còn lưu giữ nhiều đồ thờ, hiện vật bằng đồng, gỗ, giấy có giá trị như: tượng, chuông, khám long đình, thần tích, sắc phong, kiệu bát cống, sập thờ và nhiều hoành phi câu đối, nhang án…
Thời chiến tranh vệ quốc, Đền Lảnh còn là trung tâm của các phong trào cách mạng ở xã Mộc Nam. Ngay từ năm 1931, lá cờ búa liềm do đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, người thôn Lũng Xuyên (tác giả vẽ lá cờ Tổ quốc sau này) treo trên cây đa đình Yên Lạc đã cổ vũ, thôi thúc nhân dân trên con đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cũng từ đây, biết bao người con ưu tú của quê hương đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp Cách mạng chung của đất nước. Tháng 7/1945, nhân dân trong vùng tập trung tại sân đền nghe cán bộ cách mạng tuyên truyền chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 20/8/1945, hàng ngàn quần chúng yêu nước đã tập trung tại sân đền Lảnh Giang giương cao cờ đỏ sao vàng cùng các loại vũ khí trong tay kéo về kéo về huyện lỵ tham gia cướp chính quyền. Cũng tại sân đền Lảnh Giang vào ngày 24/8/1945, nhân dân địa phương đã tổ chức mít tinh chào mừng chính quyền cách mạng của tỉnh Hà Nam ra đời.

Hàng năm, Đền Lảnh Giang tổ chức hai kỳ lễ hội vào tháng Sáu và tháng Tám âm lịch. Bên cạnh các nghi thức tế lễ, rước nước, rước kiệu, còn có phần hội gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: chọi gà, đánh gậy, đấu cờ người, tổ tôm điếm, múa sư tử, thi thổi cơm trên quang gánh, diễn tập trận…

Từ những giá trị truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc, ý nghĩa xã hội, tính nhân văn sâu sắc, và tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động tín ngưỡng dân gian của nhân dân, ngày 05/11/1996, Đền Lảnh Giang đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Nghi lễ Chầu văn tại Đền Lảnh Giang nói riêng, của người Việt nói chung cũng đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2013. Đền Lảnh Giang còn là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 01/12/2016. Và gần đây nhất, vào tháng 6/2017, Lễ hội Đền Lảnh Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

GỬI TIN NHẮN LIÊN HỆ

Ban quản lý Đền Lảnh Giang

Để lại thông tin và Ban quản lý Đền Lảnh Giang sẽ liên hệ với bạn trong thời gian sớm nhất!

    Copyrights © 2024 Đền Lảnh Giang. All rights reserved.